Trường THPT Y Jut với hoạt động giáo dục trải nghiệm, sáng tạo

Lượt xem:

Đọc bài viết

Thực hiện sự chỉ đạo của Giám đốc Sở GDĐT tại Hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II, năm học 2018-2019 về đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, trong đó chú ý đến phát triển năng lực người học, gắn học lý thuyết với thực hành, thí nghiệm, ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống. Trường THPT Y Jút đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thực hiện việc dạy học dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đây được coi là chìa khóa thực hiện việc “học đi đôi với hành”, học qua làm, học giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống ngay trong lớp, trong trường.

Cổng trường THPT Y Jút hôm nay

Ông Võ Tấn Hòa- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: bên cạnh việc chỉ đạo giáo viên tăng cường nền nếp chuyên môn ở các giờ chính khóa, nhà trường còn chỉ đạo các tổ, cụm tổ bộ môn đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ngoại khóa, trong đó có hoạt động trải nghiệm, sáng tạo theo mô hình Stem, vì những lý do sau:

– Đây cũng được coi là phương pháp thật sự ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân. Hầu hết học sinh khi được học tập dưới dạng này đều tỏ ra thích thú hứng khởi. Rất nhiều em thể hiện rõ năng lực của mình qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các môn học.

– Hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một bộ phận của quá trình giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học.

– Thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể, học sinh sẽ phát huy vai trò cụ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả.

– Bên cạnh đó, các em còn được bày tỏ quan điểm ý tưởng và lựa chọn ý tưởng của chính mình. Do vậy mà các em thật sự hào hứng và rất tích cực khi được học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Ban Giám hiệu nhà trường kiểm tra việc chuẩn bị của học sinh tại Cuộc thi “Bắn tên lửa nước lần thứ 2” năm học 2018-2019

Theo cô Nguyễn Thị Nhân – Phó Hiệu trưởng nhà trường, để hoạt động giáo dục trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh đạt hiệu quả, nhà trường đã áp dụng nhiều phương pháp mang tính thực tế cả trong quản lý và dạy học: xây dựng kế hoạch sát với năng lực thực tế của giáo viên và học sinh; huy động các nguồn lực xã hội để tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của giáo viên và học sinh; chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn, nhiệt huyết trong việc nghiên cứu khoa học để bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh, ươm mầm cho học sinh đam mê nghiên cứu khoa học; phát hiện những học sinh có đam mê nghiên cứu khoa học ngay từ những ngày đầu mới vào lớp 10 (một số giáo viên còn chủ động liên hệ các giáo viên dạy cấp THCS của các học sinh để tìm hiểu về năng lực, sở trường … của học sinh); hàng tháng các tổ, cụm tổ chuyên môn đều tổ chức tư vấn cho học sinh về kiến thức, kỹ năng hoàn thiện các sản phẩm khoa học đồng thời tiến hành thử nghiệm … Bên cạnh đó, trong kế hoạch chuyên môn năm học 2018-2019, nhà trường đã có hướng dẫn, khuyến khích giáo viên: trên các tiết dạy chính khóa, dành ít nhất 1 hoạt động có nội dung trải nghiệm, sáng tạo gắn với bài học để từ đây nuôi dưỡng cho các em đam mê và “ươm những hạt mầm” tài năng về nghiên cứu khoa học.

Kiểm tra kỹ thuật dàn tên lửa nước trước khi bắn

Từ phương pháp dạy học mang tính một chiều, giáo viên đọc – học sinh chép với những kiến thức hàn lâm, giờ đậy đến với trường THPT Y Jút những bài học về lý thuyết khoa học đã trở nên “gần gũi, thân thiện” với học sinh, nhờ các thầy cô giáo đã “làm mới” và “đốt ngọn hải đăng” cho học sinh trong nghiên cứu khoa học bằng việc hướng dẫn học sinh cùng tìm hiểu, cùng khám phá, cùng áp dụng vào các thí nghiệm mang tính thực tiễn cao. Cuộc thi “Bắn tên lửa nước” vào ngày 06/3/2019 là một minh chứng điển hình cho kết quả của hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo của nhà trường.

Tên lửa rời bệ phóng và để lại vệt nước màu trắng

Tại cuộc thi, các đội tuyển đến từ các khối 10 và 11 đã trình diễn những màn “Bắn tên lửa nước” vô cùng đẹp mắt, hấp dẫn. Các em đã biết áp dụng các quy tắc của Vật lý (nguyên lý định luật ba Newton) để tạo ra “tên lửa nước” từ vật dụng tưởng như vứt đi là những chai nhựa đựng nước đã qua sử dụng, có áp suất lực đẩy (phản lực) bằng hệ thống nạp khí nén là các bơm tay (tận dụng bơm xe đạp, xe máy); để tạo không khí vui tươi, có phần mang âm hưởng của các trận đánh hào hùng, các em học sinh đã thiết kế thành các dàn “Tên lửa nước” giống các tên lửa của quân đội; để thu hồi các tên lửa an toàn, các em đã thiết kế bộ phận dù hãm tốc, khi tên lửa đạt đến độ cao nhất định, dù sẽ bung nhằm hảm tên lửa khi tiếp đất được an toàn và ít hư hại.

Niềm vui của thầy và trò khi tên lửa bung thành công dù hãm

Nói về ý nghĩa của các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo tại nhà trường, thầy giáo Nguyễn Minh Sanh – Tổ trưởng Tổ Vật lý cho biết: đây vừa là sân chơi trí tuệ cho học sinh, qua các hoạt động này, các em có động lực để học tập, rèn luyện tốt hơn nhằm thực hiện ước mơ chính đáng trong tương lai trong đó có mơ chinh phục vũ trụ; cũng qua các hoạt động này, các thầy cô giáo cũng rút ra cho mình những kinh nghiệm, những bài học bổ ích để phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục học sinh của nhà trường.

Niềm vui của đội nữ 10A2

Sau khi trình diễn thành công phần bắn tên lửa nước của mình, 2 em H’ Mộng Dung Bdat và Nguyễn Thị Huyền Diệu – lớp 10A2 cho biết: chúng em rất vui, vì những kiến thức thầy cô truyền đạt đã được hiện thực bằng thí nghiệm thực tế; trước đây, mọi người hay nói, là con gái không nên tham gia nghiên cứu khoa học, nhưng giờ đây, chúng em đã hiểu, việc nghiên cứu khoa học là dành cho tất cả những ai có đam mê, con trai làm được thì con gái cũng làm được, nhất là trong dịp tháng 3 này, chúng em cần thể hiện rõ hơn vai trò của nữ giới trong học tập và rèn luyện.

Có thể nói, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk đang chuyển mình, từ việc đổi mới tư duy quản lý, đổi mới cơ chế thực hiện chính sách trong phát triển giáo dục và đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo ra môi trường học tập tốt hơn, tạo cho người học môi trường an toàn, thân thiện để phát triển năng lực, hình thành nhân cách tốt đẹp, biết vượt khó để nuôi dưỡng đam mê, biết chia sẻ cơ hội cùng phát triển với mọi người, nhằm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các vùng, các khu vực trong tỉnh và thu hẹp khoảng cách với các tỉnh bạn. Trong hành trình đổi mới ấy, hoạt động giáo dục trải nghiệm, sáng tạo của thầy và trò trường THPT Y Jút cần được phát triển và nhân rộng.

Nguyễn Đạt